Trái vải độc lạ và cơ hội nâng tầm nông sản Việt

Trái vải độc lạ và cơ hội nâng tầm nông sản Việt

Nếu như trước đây, người tiêu dùng chỉ biết đến những trái cây nhập khẩu cao cấp của nước ngoài với giá đắt đỏ, thì hiện nay, ngay tại trong nước cũng có nhiều loại nông sản giá trị cao, đạt tiêu chuẩn về chất lượng không thua kém nhiều nước trên thế giới.

Mùa vải tháng 6 năm nay, bên cạnh màu đỏ rực của vải Lục Ngạn - Bắc Giang và vải Thanh Hà - Hải Dương, thị trường trái cây bất ngờ xuất hiện những trái vải độc lạ với  kích cỡ to như quả trứng gà.

Những quả vải trứng đến từ Hưng Yên, vải ngọc lai trứng của Thanh Hóa, chỉ 18 đến 23 quả/kg, cùi dày, vị ngọt thanh đầy hấp dẫn, hay vải ngọc không hạt thơm ngon, béo ngậy, hiếm ở đâu có được đã đưa các tín đồ sành ẩm thực đi từ hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác.

Nông sản cao cấp, tất yếu giá thành cũng rất cao, lên tới vài trăm nghìn/kg, song chỉ trong chưa đầy hai tuần ngắn ngủi, Công ty CP Đầu tư Tân Việt Hưng Thủ Đô (Khim Food), đơn vị phân phối dòng sản phẩm này đã bán hết đến những cân vải cuối cùng trong sự đón nhận đầy thích thú, "trầm trồ" của người tiêu dùng và cả niềm vui, sự hạnh phúc của những người bán và làm ra sản phẩm.


 

Lựa chọn bảo tồn và phát huy giá trị nông sản

Vốn được biết đến là vùng đất của nhãn lồng ngon nổi tiếng, thế nhưng ít ai biết rằng, quả vải của Hưng Yên cũng vô cùng đặc biệt. Từ bao đời nay, vùng đất phù sa màu mỡ với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu được thiên nhiên ưu đãi này đã cho ra một thứ quả với kích thước to khác thường - vải trứng.

Hiện, vải trứng Hưng Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và Sở Khoa học và công nghệ chứng nhận nhãn hiệu từ năm 2020. Tuy nhiên, từ đó đến nay, thị trường tiêu dùng trong nước vẫn gần như vắng bóng loại quả này.

Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Tân Việt Hưng Thủ Đô, nguyên nhân khiến vải trứng Hưng Yên chưa được nhiều người dân cả nước biết đến là do mặc dù thơm ngon, độc đáo, nhưng sản lượng quả hàng năm lại rất thấp.

Theo thống kê, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng hơn 250 ha trồng vải trứng, chủ yếu tại huyện Phù Cừ và một số xã tại huyện Ân Thi. Diện tích này đang cho thu hoạch khoảng 150 ha. Cây vải này rất "đỏng đảnh", khó chăm sóc nên năng suất chỉ đạt khoảng hơn 100 tấn/năm. Ngay từ trước khi thu hoạch, các vườn, các hợp tác xã đều được đặt mua hết. Vải thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không đủ để bán ra thị trường.

Cây vải trứng Hưng Yên được trồng từ năm 1994, nhưng ở thời điểm đó, kỹ thuật trồng chưa cao, người nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc nên năng suất rất thấp. Đã có thời điểm, nhiều người dân địa phương phá bỏ vải trứng để trồng loại cây ăn quả khác. Trong suốt một thời gian dài, vải trứng tuy là sản vật quý nhưng không được biết đến trên thị trường.

Mặt khác, theo bà Hiền, mùa vải trứng diễn ra rất nhanh, trong khoảng hơn 2 tuần, chính vì vậy, loại quả này chỉ phân phối qua kênh "quen biết", biếu, tặng là đã hết hàng. Người tiêu dùng cả nước chưa có điều kiện để được thưởng thức thứ "của ngon, vật lạ" đến từ Hưng Yên, thậm chí, ngay cả nhiều người con của Hưng Yên, cũng chưa một lần được nếm thử.

Nhiều năm gắn bó với nông sản, phát triển và phân phối các dòng sản phẩm quà tặng từ nông sản cao cấp, liên kết hỗ trợ cho các hợp tác xã đưa nông sản vào chuỗi bán lẻ, siêu thị... nhưng năm 2023 là năm đầu tiên Khim Food lựa chọn trực tiếp bán các sản phẩm từ nông sản tươi với vải trứng từ Hưng Yên và vải ngọc không hạt, vải ngọc lai trứng từ Thanh Hoá. Đây cũng gần như là năm đầu tiên các nông sản đặc biệt này xuất hiện rộng rãi trên thị trường, được biết đến nhiều hơn bởi người tiêu dùng.

Bà Hiền cho rằng, những thức quả đặc biệt này có mùa vụ quá quá ngắn, quá nhanh, sản lượng không nhiều, do đó, giới thiệu bán trực tiếp là cách nhanh nhất để quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường, đến tay khách hàng.

Khi có cách làm đúng để tiêu thụ sản phẩm, được người tiêu dùng đón nhận, đây sẽ là cơ hội để gia tăng sản lượng cho những nông sản giá trị cao, nổi tiếng của từng vùng như vải trứng. Thực hiện tốt khâu tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp bà con nông dân, các hợp tác xã nuôi trồng có niềm tin vào thị trường để tăng gia sản xuất, phát triển những sản vật quý của địa phương trong những mùa vụ tiếp theo, bà Hiền chia sẻ.

Nuôi dưỡng niềm tự hào về nông sản Việt

Đưa được những loại trái cây đặc sản, thơm ngon hiếm có của các địa phương này ra ngoài thị trường cũng đặc biệt không kém. Đó là cả hành trình dài, tận tâm, tận tụy, đầy vất vả từ khâu thu hoạch, bảo quản đến đưa sản phẩm đến tay khách hàng.

Trước hết là trong khâu bảo quản, theo bà Hiền, khác với các loại vải thông thường, những trái vải trứng của Hưng Yên có yêu cầu rất khắt khe về bảo quản sau thu hoạch. Phân phối nông sản tươi giá trị cao, quan trọng nhất là phải tối ưu trong việc thu hái và vận chuyển, tính toán hợp lý về thời gian, khối lượng để thu hoạch cho đúng, phù hợp.

Theo đó, mỗi loại quả lại có cách thức thu hoạch rất khác nhau. Đơn cử như vải ngọc không hạt hữu cơ, dù nắng hay mưa vẫn có thể thu hoạch được nhưng vải trứng, trong điều kiện thời tiết mưa sẽ phải lưu ý rất kỹ, thậm chí không thể thu hoạch do lo ngại có thể ảnh hưởng đến chất lượng quả.

Mặt khác, trong quá trình bảo quản đến tay người tiêu dùng cũng cần hết sức cẩn thận với những quy định khắt khe. Nếu như vải ngọc trồng hữu cơ được bảo quản lạnh, thì bảo quản vải trứng lại vất vả hơn nhiều khi không được bật quạt để điều hoà, do có thể khiến quả vải khô, sẫm màu, mất đi sự tươi ngon.

Bên cạnh đó, khi đóng gói vào hộp, vải trứng cũng cần phải có lớp lót, lớp giấy, để hơi ẩm không làm khô quả vải, ảnh hưởng đến chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Là người nhiều năm làm nông sản cao cấp, bà Hiền cũng rất chú trọng đến bao bì, mẫu mã của sản phẩm. Những nông sản giá trị cao như vải trứng, vải ngọc được Khim Food chuẩn bị kỹ lưỡng về hộp đựng. Mỗi hộp quà tặng được đóng gói công phu, với thiết kế sang trọng, bắt mắt không chỉ thể hiện được sự "xứng tầm" với nông sản giá trị cao mà còn giúp người tiêu dùng nhận thức đúng về giá trị của sản phẩm, tự hào khi cầm trên tay những sản vật vô cùng độc đáo của Việt Nam.

Có chất lượng sản phẩm rồi, khâu làm thị trường, phân phối đến tay khách hàng của nông sản cao cấp cũng rất khác biệt. Theo bà Hiền, các nông sản cao cấp như vải trứng, vải ngọc có giá thành rất cao, từ 200 - 250 nghìn đồng/kg, chính vì vậy phân khúc khách hàng và kỳ vọng của người tiêu dùng về sản phẩm cũng cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm thông thường.

Là đơn vị bán sản phẩm cao cấp, Khim Food không chỉ phải có tệp khách hàng riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho phân phối, mà còn phải rất hiểu thị hiếu của họ, chịu trách nghiệm trước khách hàng về chất lượng sản phẩm, đảm bảo mang đến cho khách hàng chất lượng sản phẩm tốt nhất.

Quá trình từ khi thu hoạch đến tay khách hàng thường chỉ từ vài tiếng đến hơn chục giờ đồng hồ nhằm đảm bảo chất lượng nông sản tươi ngon nhất có thể. Ngay cả với những đơn hàng vận chuyển vào trong miền Nam, quả vải cũng được thu hoạch từ sáng sớm để kịp lên máy bay và đến tay khách hàng vào buổi sáng ngày hôm sau.

Theo bà Hiền, đơn vị phân phối chính là cầu nối giữa khách hàng và đơn vị sản xuất. Thực hiện tốt khâu phân phối sẽ giúp tạo động lực để đơn vị sản xuất nâng cao sản lượng, dự báo trước tình hình để chuẩn bị kế hoạch cho các năm tiếp theo. Mặt khác, qua phân phối, lắng nghe ý kiến khách hàng, Khim Food sẽ làm việc lại với các hợp tác xã, đơn vị sản xuất để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ tốt hơn những khách hàng của mình, vì sự phát triển bền vững của thị trường nông sản.

Khó khăn, thách thức là vậy, song theo bà Hiền, Khim Food vẫn tâm huyết lựa chọn phân phối nông sản giá trị cao thay vì các sản phẩm thông thường, đại trà khác trên thị trường. "Từ quan điểm kinh doanh trước đây, chúng tôi luôn chọn những sản phẩm khác biệt gắn với văn hoá vùng miền độc đáo và có chiến lược kinh doanh riêng, có được tình cảm gắn bó hơn của khách hàng và những người yêu nông sản Việt".

Mặt khác, điều quan trọng nhất là niềm tự hào với các nông sản quý của Việt Nam với thị trường trong nước và quốc tế. Bà Hiền chia sẻ và cho rằng, nếu như trước đây, người tiêu dùng Việt Nam chỉ biết đến những trái cây nhập khẩu cao cấp của nước ngoài như táo, nho, cherry với giá đắt đỏ lên tới từ vài trăm đến hàng triệu đồng/kg, thì hiện nay, ngay tại trong nước cũng có nhiều loại nông sản giá trị cao, đạt tiêu chuẩn Vietgap, Global gap, hướng tới hữu cơ như vải ngọc không hạt, vải ngọc lai trứng... không thua kém trái cây của nhiều nước trên thế giới.

Thậm chí, khi sử dụng các thức quả của Việt Nam, người tiêu dùng còn có thể thưởng thức được hương vị tươi ngon, khác hẳn với hoa quả nhập khẩu được bảo quản lạnh trong dài ngày từ nước ngoài.

"Khi lần đầu giới thiệu những nông sản đặc biệt của Việt Nam ra thị trường, được người tiêu dùng biết đến và đón nhận đầy thích thú, trong đó có cả những thực khách là người nước ngoài. Ai cũng tấm tắc, trầm trồ khen ngợi và ủng hộ khiến sản phẩm 'cháy hàng' đến tận những hộp cuối cùng trong một vụ mùa ngắn ngủi, thực sự không niềm vui nào bằng. 

Vui vì mình là người Việt Nam, tự hào về nông sản Việt Nam. Suy nghĩ đó đã thôi thúc Khim Food nỗ lực không ngừng cùng các hợp tác xã, các doanh nghiệp trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm, qua đó góp phần nhỏ bé vào việc quảng bá cho những sản vật có thương hiệu, có giá trị của mỗi địa phương", bà Hiền chia sẻ.

Điều này sẽ giúp duy trì nét đẹp trong văn hoá, nông sản của mỗi vùng miền không bị những sản phẩm "ngoại lai" làm mất đi nét giá trị vốn có của nông sản Việt. Đặc biệt, những sản phẩm là đặc sản đặc trưng của địa phương như vải trứng của Hưng Yên, không dễ để phát triển, lại càng cần phải thúc đẩy, gắn liền với bảo tồn, phát huy. Sản phẩm càng khó càng cần nỗ lực bảo tồn, nếu không sẽ ngày càng mai một, thất truyền.

(Theo Thu Phương - The Leader) 

Đang xem: Trái vải độc lạ và cơ hội nâng tầm nông sản Việt

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng