Đền Mẫu Hưng Yên – Ngôi đền linh thiêng, di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến

Đền Mẫu Hưng Yên – Ngôi đền linh thiêng, di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến
Đền Mẫu Hưng Yên nằm trong quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến (Thành Phố Hưng Yên). Đây là ngôi đền rất linh thiêng, luôn đông đúc khách hành hương, đặc biệt vào những ngày xuân năm mới.  Ngôi đền thờ Dương Quý Phi - một nhân vật lịch sử nổi tiếng của Trung QuốcNgôi đền sở hữu vẻ đẹp kiến trúc, vừa cổ kính uy nghi vừa gần gũi với tâm linh người dân.
 

Đền Mẫu Hưng Yên thờ ai ?

Đền Mẫu Hưng Yên thờ Dương Quý Phi, được tán xưng là Dương Thiên Hậu. Theo sử sách và Ngọc Phả truyền lại, thì bà là vợ vua Tống Đế Bính. Năm 1279, quân Nguyên xâm lược nước Tống, vua và hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam. Trên đường chạy, họ bị tướng nhà Nguyên là Trương Hoằng Phạm bắt được. Vua Tống cùng một số phi tần không chịu khuất phục đã nhảy xuống biển tuẫn tiết, xác của Dương Quý Phi trôi vào bãi cát, được nhân dân chôn cất chu đáo và lập đền thờ.
 

Lịch sử Đền Mẫu Hưng Yên


Theo “Đại Nam nhất thống chí”, Đền Mẫu được khởi dựng vào thời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279). Trải qua các triều đại, Đền đều được trùng tu và phong tặng nhiều lần. Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), Đền được trùng tu lớn và có quy mô kiến trúc như ngày nay. Năm 1990, Đền Mẫu Hưng Yên đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Trải qua nhiều lần sửa chữa nhưng vẻ cổ kính vẫn còn vương lại trên từng viên gạch, mái chùa hay những pho tượng. Đền ngày nay thờ bà Dương Quí Phi nguyên là vợ vua Tống bên Trung Quốc, tương truyền trong chùa còn có chiếc giường từng là nơi nghỉ ngơi của bà.
Địa chỉ đến Đền Mẫu tại Hưng Yên : nằm trên đường Bãi Sậy, thuộc phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên.  Đền Mẫu Hưng Yên cách Hà Nội khoảng 54km về hướng Nam chếch Đông
 

Kiến trúc Đền Mẫu Hưng Yên

Đền được xây trên thế đất “Ngọa Long” nhìn ra hồ Bán Nguyệt với không gian rộng rãi, tạo nên thế “Sơn Diễu Thủy”. Cổng Nghi môn của Đền Mẫu Hưng Yên khá bề thế, kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, với các đầu đao uốn cong. Cửa xây vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ, hai cột trụ trên đỉnh có đắp 2 con sấu chầu vào cửa. Trên vòm cuốn có bức đại tự ghi kiểu chữ Triện “Dương Thiên Hậu - Tống Triều” và bức chữ Hán “Thiên Hạ mẫu nghi”.

Qua Nghi môn là sân đền, giữa sân có cây cổ thụ với tuổi đời hơn 800 năm, được kết hợp bởi 3 cây sanh, đa, si quấn lấy nhau vững chắc, rủ bóng um tùm quanh Đền Mẫu Hưng Yên, càng tăng thêm vẻ trang nghiêm, u tịch. Đây là một trong những cây cổ thụ lâu đời nhất Bắc Bộ.

Ba cây được trồng cách đây khoảng 800 năm và mọc chồng lên nhau. Các rễ cây mọc ra tạo thành thế kiềng ba chân rất vững chắc như bàn tay của Mẫu đón các con về. Theo các nhà khoa học, các cây cổ thụ ở miền Bắc nhiều nhưng cây cổ thụ quý hiếm như ở đền Mẫu thì rất hiếm.

Tòa Đại bái của Đền Mẫu Hưng Yên gồm 3 gian, kiến trúc theo kiểu tám mái lợp ngói vẩy rồng, các đao mái uốn cong kiểu rồng chầu. Các con rường, đấu sen, trụ chạm hình lá hoa, rồng, phượng, các bẩy chạm hình đầu rồng. Hai bên tòa Đại bái là điện Lưu Ly và cung Quảng Hàn.

Tòa Tiền đường cũng gồm 3 gian, kiến trúc kiểu chồng rường đấu sen, lộng lẫy với hoành phi, câu đối, đồ tế tự, tán lọng, cờ, y môn, giá cắm đồ binh khí, kiệu bát cống, long đình được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Nóc được đắp hình “Lưỡng long chầu nguyệt”, đao rồng chầu, phượng múa tinh xảo.

Hậu cung gồm 5 gian, kiến trúc theo kiểu chồng rường con nhị với 12 cột cái, 6 cột quân, các bức cốn chạm hoa lá mềm mại, bộ cửa bức bàn chạm lộng mai cúc. Bên trong có tượng Dương Quý Phi với nét mặt đôn hậu, cùng 2 người hầu là Kim Thị và Liễu Thị , niên đại thế kỷ 17-18.

Ngoài ra, trong Đền Mẫu Hưng Yên còn lưu giữ nhiều di vật quý như long sàng, long kỷ có niên đại thế kỷ 18-19 và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến Nguyễn, ca ngợi tấm gương trung tiết của Dương Quý Phi.


Lễ hội Đền Mẫu Hưng Yên

Hàng năm, lễ hội đền Mẫu ở Hưng Yên được tổ chức từ ngày 20 đến 22 tháng 1 âm lịch, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương về tham dự, chiêm bái, cầu mong những điều tốt lành, hạnh phúc. Phần tế lễ diễn ra long trọng. Phần hội có các trò chơi giân dan, hát chầu văn.

- Đặc biệt, trong dịp lễ hội sẽ diễn ra 2 buổi rước kiệu sôi động. Rước liềm từ Đình Hiến lên Đền Mẫu Hưng Yên, đi đầu là cờ, trống chiêng, long đình, bát bửu, lộ bộ, có đội múa lân, múa rồng. Rước du đi quanh phố phường, rồng vàng uốn lượn từ đầu đến cuối đám rước, có múa “Con đi đánh bồng”...
 

Một vài lưu ý khi về đền Mẫu

Khi đến thăm đền Mẫu Hưng Yên, bạn cần lưu ý như sau :

Vào đền mẫu có mất phí không > ==> Miễn phí hoàn toàn

Đền mẫu cửa đón khách khi nào : Trong 3 tháng đầu năm, mửa cửa 24/7. Các ngày trong tuần cũng mở cửa đến 8h tối !

 Một số điều sau để thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần linh và giữ gìn không gian linh thiêng của ngôi đền như:

- Lựa chọn trang phục kín đáo, màu sắc trung tính để thể hiện lòng kính và sự tôn trọng đối với nơi chốn linh thiêng này. Bạn không nên diện trang phục hở hang, phản cảm.

- Lễ vật dâng lên đền Mẫu cần tươi mới hoàn toàn và không nên sử dụng lại các vật đã được dùng trong các nghi thức thờ cúng trước đó.

- Hạn chế nói to, cười lớn, tô vẽ lên các vật trưng bày quý giá tại đền cũng như không được hút thuốc trong khuôn viên đền để duy trì sự tịnh tâm trong không gian linh thiêng

Nếu bạn có dịp du lịch Hưng Yên thì đừng quên ghé thăm đền Mẫu để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của ngôi đền, tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của nơi đây cũng như cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình nhé.

Nguồn : Sưu tầm

Đang xem: Đền Mẫu Hưng Yên – Ngôi đền linh thiêng, di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng